NHỮNG RỦI RO VÀ KHÓ KHĂN TRONG NGHỀ ĐIỆN LẠNH MÀ BẠN CẦN BIẾT???
Những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trong mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 39 - 41 độ C khiến nhu cầu về điện lạnh, đặc biệt là lắp đặt, sửa chữa điều hòa nhiệt độ của người dân tăng cao. Các thợ kỹ thuật điện lạnh phải hoạt động hết công suất những ngày này. Trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện lạnh, người lao động luôn phải đối mặt với các mối nguy hiểm và những sự cố tai nạn không mong muốn. Vì vậy, cần có những biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động trong ngành điện lạnh.
Các mối nguy đối với lao động ngành điện lạnh
Tại các khu dân cư cũng như các khu công nghiệp, trong quá trình làm việc, những người thợ kỹ thuật điện lạnh phải đối mặt với tất cả các mối nguy hiểm có thể dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Các lao động kỹ thuật điện lạnh có thể bị những thương tích xảy ra do nâng hoặc mang vật liệu hoặc thiết bị nặng, lắp đặt hoặc thay thế thiết bị, trèo lên thang và bậc thang để làm việc trên cao, băng qua các bề mặt làm việc như sàn nhà và mái nhà, không gian làm việc hạn chế, dễ tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm hoặc bị điện giật, …
Làm việc trên cao
Một nguy cơ rất phổ biến đối với lao động kỹ thuật điện lạnh chính là làm việc trên cao. Các lao động kỹ thuật điện lạnh phải thường xuyên làm việc ở những vị trí lắp đặt nguy hiểm, trên cao, như trên các mái nhà, ngoài ban công, hoặc treo người trên các vị trí không có đỡ như trên tường, … người lao động phải leo ra ngoài lan can, bờ tường, trần nhà, mái nhà, … là những vị trí rất khó tiếp cận. Họ phải treo mình lơ lửng trên những tầng cao để lắp đặt hay tháo dỡ các thiết bị điều hòa. Trong những tình huống này, nguy cơ rơi từ một vị trí cao là rất lớn và có thể dẫn đến tổn thương cơ thể nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thang và giàn giáo ở những vị trí trên cao cũng gây nên nguy cơ té ngã. Ngã là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tử vong trong ngành xây dựng và điện lạnh.
Không gian hạn chế và nguy cơ tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm
Làm việc trong những không gian hạn chế là một phần công việc đối với lao động kỹ thuật điện lạnh, nhất là khi họ phải lắp đặt hệ thống dây điện và ống dẫn trong các tầng áp mái, tầng hầm và không gian hẹp.
Các lao động kỹ thuật điện lạnh cũng phải đối diện với mối nguy rất phổ biến và đa dạng trong ngành, mối nguy hóa chất như chất làm lạnh, chất lỏng tẩy rửa, dung môi, bình điều áp chứa đầy hóa chất, … người lao động phải đối diện với mối nguy khi làm việc với chất làm lạnh là thiếu oxy.
Nguy cơ bỏng
Người lao động kỹ thuật điện lạnh phải đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể tự gây ra bỏng cho bản thân trong quá trình làm việc kể cả nặng và nhẹ. Việc tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị làm nóng hoặc có khả năng nóng là điều bắt buộc và không thể tránh khỏi đối với người thợ điện lạnh. Họ phải tiếp xúc với lượng nhiệt lớn được sinh ra trong một số thiết bị sưởi hay nhiệt lượng tự nhiên mà điều hòa không khí và lò nung có thể tạo ra. Trong quá trình lắp đặt và sửa chữa các thiết bị điện lạnh, do môi trường làm việc ngoài trời vào mùa hè nên người lao động cũng phải ngồi dưới nắng nóng, nhiệt độ cao. Việc hàn các đường ống đồng hay các thiết bị trong quá trình lắp đặt, sửa chữa cũng khiến người lao động có nguy cơ bị bỏng.
Mối nguy về điện
Công việc điện lạnh đòi hỏi người lao động phải thường xuyên tương tác với các thiết bị điện và hệ thống dây điện. Lắp đặt mới các thiết bị điện lạnh hoặc sửa chữa các thiết bị hiện có có nghĩa là làm việc với hệ thống điện. Ngoài ra, họ cũng có những nguy cơ về điện do tiếp xúc điện và bị điện giật trong điều kiện ẩm ướt hoặc trong quá trình lắp đặt và sửa chữa gần thiết bị đang hoạt động. Mối nguy do điện giật không chỉ có hại cho người lao động mà còn có thể gây hại cho người sử dụng.
Khi sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện lạnh, người lao động kỹ thuật điện lạnh còn phải đề phòng các nguồn điện bị rò rỉ ra ngoài do năm tháng sử dụng khiến các thiết bị này không còn được trong tình trạng tốt nữa. Những thiết bị điện lạnh, ví dụ như điều hòa công suất lớn 3 pha hay công nghệ biến tần inverter nếu bị rò rỉ điện có thể gây tử vong tại chỗ nếu thợ kỹ thuật điện lạnh chạm vào thiết bị. Do làm việc trên cao, khi bị điện giật dù nhẹ cũng dễ khiến người thợ bị bất ngờ dẫn đến tuột tay và ngã xuống gây nguy hiểm.
Một số giải pháp
Trước hết, để đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc nguy hiểm, mỗi người lao động điện lạnh cần tự ý thức bảo vệ chính mình bằng cách tuân theo đầy đủ các quy trình, quy tắc lao động, học hỏi thêm những giải pháp an toàn để tránh rủi ro. Trong quá trình thi công, cần tuân thủ các bước theo quy trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện, tập huấn nâng cao ý thức thức cũng như trình độ của nhóm đối tượng này về an toàn vệ sinh lao động.
Khi làm việc trên cao, luôn kiểm tra kỹ vị trí của thang và giàn giáo để đảm bảo chắc chắn, an toàn khi sử dụng. Người thợ kỹ thuật điện lạnh phải đeo dây an toàn khi làm việc ở độ cao lớn hơn 2m. Việc sử dụng dây an toàn phải được chú trọng và thực hiện đầy đủ. Khi làm việc tại chỗ, người thợ phải đảm bảo có đủ giằng co được gắn kết chắc chắn.
Điện giật có thể xảy ra ngay lập tức. Do đó, an toàn chống điện giật phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của những người thợ kỹ thuật điện lạnh. Để tránh những rủi ro về điện, người thợ kỹ thuật điện lạnh cần trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên ngành về điện. Luôn mang theo thiết bị thích hợp cần thiết để kiểm tra điện tích của dây dẫn trước khi tiếp xúc với điện và luôn chắc chắn đeo găng tay bảo hộ khi làm việc với điện. Các thiết bị cần bảo đảm được ngắt điện trước khi bắt đầu tiếp xúc, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình lắp ráp công trình, vận hành, sửa chữa.
CƠ SỞ : TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ THỦ ĐỨC
Số 53 Đường Võ Văn Ngân– P.Linh Chiểu – TP.Thủ Đức – TP.Hồ Chí Minh
Liên hệ hotline: 0938.277.771 – 0905.211.689
Email: ngoctri.04nbk@gmail.com
Fanpage: Trung tâm dạy nghề điện lạnh